Công nghệ MBR – Membrane Bio Reactor
Bản chất của công nghệ này là quá trình bùn hoạt tính tăng cường, bằng việc sử dụng màng lọc Nano cao phân tử, với kích thước lỗ màng rất nhỏ chỉ cho nước tinh khiết đi qua, bùn và các tạp chất khác bị giữ lại, nhờ đó hàm lượng bùn trong công trình xử lý rất lớn, có thể đạt trên 8000 – 12000 mg/l (đối với công trình bùn hoạt tính thông thường hàm lượng bùn chỉ đạt 2000 – 3000 mg/l). Do đó, hiệu quả xử lý của công nghệ này rất cao, nước sau khi qua hệ thống xử lý có thể tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, rửa xe, tạo cảnh non bộ….Trường hợp sử dụng kết hợp với màng lọc RO có thể tái sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Công nghệ này thường áp dụng ở những khu vực có yêu cầu cao về chất lượng nước, hoặc những khu vực có diện tích quy hoạch trạm xử lý nhỏ.
Cấu tạo của màng MBR là các sợi rỗng hoặc dạng tấm phẳng với kích thước lỗ màng là 0,1-0,4µm, màng chỉ cho nước sạch đi qua, còn các chất rắn lơ lửng, hạt keo, vi khuẩn, một số virus và các phân tử hữu cơ kích thước lớn … sẽ được giữ lại trên bề mặt màng. Nước sạch sẽ theo đường ống thoát ra ngoài nhờ hệ thống bơm hút. Bên cạnh đó, máy thổi khí sẽ cấp khí liên tục, nhằm cung cấp khí cho hệ vi sinh hoạt động và tạo áp lực lên thành sợi màng thổi bung các cặn bùn bám trên thân màng, đảm bảo màng sẽ không bị nghẹt trong suốt quá trình hoạt động.
Sơ đồ công nghệ:
Ưu điểm:
– Diện tích công trình nhỏ.
– Hiệu quả xử lý BOD cao và ổn định, đạt mức A QCVN 28:2010/BTNMT.
– Không cần bể lắng.
– Có thể xử lý triệt để Nitơ, Photpho và các hợp chất khó phân hủy khác.
– Ít phát sinh mùi trong quá trình vận hành.
– Vận hành dễ dàng và được thiết lập tự động, ít nhân công và chuyên môn vận hành không đòi hỏi cao.
– Có thể không cần đến công đoạn khử trùng nước thải sau xử lý vì coliform không thể đi xuyên qua màng.
– Có thể dễ dàng cải tạo công suất xử lý của hệ thống với chi phí thấp.
Nhược điểm:
– Quá trình thiết kế, thi công phức tạp.
– Chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao.
– Tuổi thọ vật liệu phụ thuộc nhiều vào chất lượng nước sử dụng.
– Chi phí vận hành cao, thường xuyên đối mặt với việc tắc màng.