Nước thải chăn nuôi
Trong những năm qua nhiều mô hình chăn nuôi đã được triển khai trên địa bàn cả nước, đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều trang trại chăn nuôi hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý mà thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước, kênh mương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây phú dưỡng hóa nguồn nước tiếp nhận.
Nước thải chăn nuôi tác động đến môi trường và sức khỏe con người trên nhiều phương diện: gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm, môi trường không khí, môi trường đất và các sản phẩm nông nghiệp. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều căn bệnh về hô hấp, tiêu hóa, do trong chất thải chứa nhiều VSV gây bệnh, trứng giun… Đặc biệt là các virus biến thể từ các dịch bệnh như lở mồm, long móng, dịch bệnh tai xanh, cúm gà,… có thể lây lan nhanh chóng và nó còn cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Do đó việc xử lý nước thải chăn nuôi có vai trò rất quan trọng và cấp thiết.
Đặc trưng nước thải chăn nuôi:
– Các chất hữu cơ: hợp chất hữu cơ chiếm 70-80% bao gồm cellulose, protit, acid amin, chất béo, hydrat carbon và các dẫn xuất của chúng, thức ăn thừa. Các chất vô cơ chiếm 20-30% gồm cát, đất, muối, ure, ammonium, muối chlorua, SO4
– N và P: khả năng hấp thụ N và P của các loài gia súc, gia cầm rất kém, nên khi ăn thức ăn có chứa N và P thì chúng sẽ bài tiết ra ngoài theo phân và nước tiểu. Trong nước thải chăn nuôi heo thường chứa hàm lượng N và P rất cao. Hàm lượng N-tổng = 200-850 mg/l trong đó N-NH4 chiếm khoảng 80-90%; P-tổng = 60-100 mg/l.
– Sinh vật gây bệnh: Nước thải chăn nuôi chứa nhiều loại vi trùng, virus trứng ấu trùng giun sán gây bệnh.
Sơ đồ công nghệ:
Các bước xử lý
Đầu tiên, nước thải chăn nuôi được thu gom và đưa vào trong hầm biogas, tại đây quá trình lên men kỵ khí diễn ra, các vi sinh vật kỵ khí sử dụng nguồn chất hữu cơ dồi dào trong nước thải để sinh trưởng và phát triển. Sản phẩm của quá trình này chủ yếu là CO2, CH4 và các khí khác với hàm lượng nhỏ.
– Bể điều hòa: Điều hòa lưu lượng và ổn định nồng độ các chất bẩn, tạo chế độ làm việc ổn định cho các công trình xử lý tiếp theo.
– Bể thiếu khí: Có nhiệm vụ khử nitrat (NO3–) từ dòng tuần hoàn thành nitơ (N2) giải phóng theo không khí và tiếp tục khử các hợp chất hữu cơ, làm giảm hàm lượng BOD trong nước thải.
– Bể hiếu khí: Bể này có nhiệm vụ thực hiện quá trình oxy hóa các hợp chất hữu cơ còn lại trong nước thải thành CO2 và H2O, và đồng thời thực hiện quá trình chuyển hóa amoni thành nitrat tuần hoàn lại bể thiếu khí.
– Bể chứa màng MBR: Với các lỗ có kích thước vô cùng nhỏ (µm) của các tấm màng giúp giữ lại toàn bộ lượng bùn sinh học tăng hiệu quả xử lý và đảm bảo nước thải sau xử lý có thể hoàn toàn không chứa vi sinh vật gây hại.
– Bể khử trùng: Sử dụng Clo để khử trùng để chắc chắn rằng nước thải sau khi xử lý hoàn toàn đạt các tiêu chuẩn xả thải. Cuối cùng được xả ra nguồn tiếp nhận.