Hôm 1/10, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội ở mức cao nhất trong 5 năm qua.
Ông khuyến cáo “người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời” nhưng không đề cập đến các giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm không khí.
“Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt”, ông Tài nói thêm.
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang kéo dài nhiều ngày ở Hà Nội, TP HCM, gây lo ngại và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.
Trong vài ngày qua, người dân ở các thành phố chia sẻ mạnh trên mạng xã hội thông tin về ô nhiễm không khí được đo trên ứng dụng của phần mềm IQAir AirVisual, một tổ chức quan trắc chất lượng không khí trên mạng độc lập.
Chỉ số AQI thường xuyên hiển thị màu đỏ ở mức xấu (“unhealthy”), thậm chí màu tím, mức rất xấu (very unhealthy). Hà Nội trong nhiều ngày đứng đầu bảng xếp hạng chất lượng không khí xấu nhất thế giới của tổ chức này, trong khi TP HCM cũng có nhiều ngày ở trong top 10.
Chẳng hạn, ở thời điểm 8h40 ngày 30/9, chỉ số AQI ở mức 277, chỉ số bụi mịn PM2.5 cao gấp hơn 11 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và hơn 25 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO khuyến cáo mức độ bụi PM2.5 an toàn ở mức không quá 10 µg/m3.
Theo báo cáo của Bộ TN MT, dẫn chứng số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, chất lượng không khí tại Hà Nội từ 12-19/9 liên tục có nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép.
Trong những ngày ô nhiễm nhất, toàn bộ các trạm đo được nồng độ PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn được quy định.
Tuy nhiên, báo cáo này cho biết “các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn”.